Bối cảnh Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

Sau khi nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm với sự hỗ trợ của Mỹ đã ra sức cự tuyệt việc thi hành hiệp định Genève, ngăn chặn hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đi liền với chính sách đó, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành chính sách đàn áp, khủng bố các thành phần chống đối, ác liệt nhất là chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, rồi Luật 10/59,... Dư luận cho rằng đối với Phật giáo, cũng từ khi mới lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm và cấp dưới đã đẩy mạnh chính sách kỳ thị trên tất cả các lãnh vực từ tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội đến văn hoá - giáo dục nhằm thực hiện âm mưu loại Phật giáo ra khỏi đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân miền Nam. Dưới chế độ Diệm mâu thuẫn xã hội biểu hiện qua “lăng kính tôn giáo” rất đậm nét. Phật giáo là tôn giáo truyền thống tại Việt Nam, phần lớn người dân Việt Nam tin vào Phật và hay vào chùa lễ Phật. Điều này giải thích tại sao, Tăng Ni, Phật tử đã cùng với nhiều tầng lớp nhân dân miền Nam liên tục tiến hành đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, mà đỉnh cao là phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963[3].